Tin Tức
Hai trồng một nuôi
Ngày cập nhật:
Năm 2004, ngành nông nghiệp huyện Tam Nông, tỉnh Ðồng Tháp đã xây dựng thí điểm thành công mô hình nuôi thủy sản trên ruộng lúa đạt doanh thu hơn 50 triệu/ha, giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích đất sản xuất, bước đầu thực thi có hiệu quả công tác chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phù hợp với từng vùng sinh thái ở địa phương.
Sau khi tổ chức đi tham quan thực tế mô hình canh tác hai vụ lúa và một vụ nuôi thủy sản trên ruộng ở tỉnh An Giang và Cần Thơ; đồng thời, được ngành Ngân hàng và Khuyến nông huyện hỗ trợ vốn và kỹ thuật... anh Hứa Văn Ðiển, ngụ ấp Long Thành, xã Phú Thành, huyện Tam Nông đã mạnh dạn đầu tư vốn thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng. Anh Ðiển cho biết: "Sau khi thu hoạch lúa hè thu xong, tôi cải tạo mặt ruộng, vét đất đắp bờ đê, làm vệ sinh sạch sẽ bằng vôi bột rồi mua cọc tràm, lưới cước thiết kế một quầng nuôi tôm trên diện tích 2 héc-ta ruộng đang bị nước lũ ngập tràn. Tiếp đó, tôi xử lý nước trong quần thật kỹ không để sót các loại cá lóc, trê, ếch... tấn công tôm. Cuối cùng, tôi đầu tư trên 25 triệu đồng mua 210.000 con tôm Post để thả vào quần nuôi".

Nguồn thức ăn cho tôm chủ yếu là: gạo, cơm dừa và các loại cua, ốc, cá, tép xay nhuyễn... Ðồng thời, anh Ðiển còn sử dụng thức ăn viên công nghiệp có nhiều độ đạm cho tôm càng xanh ăn và phòng ngừa dịch bệnh kịp thời cho tôm đúng theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện... Nhờ thường xuyên kiểm tra, bảo vệ vuông tôm, chăm sóc đàn tôm thật chu đáo nên sau hơn sáu tháng nuôi, anh Ðiển đã thu hoạch trên 3.150 kg tôm càng xanh thương phẩm (bình quân đạt 30 con/kg) bán giá bình quân 75.000 đồng/kg, thu nhập hơn 236 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư, công chăm sóc và thanh toán vốn - lãi cho ngân hàng, anh Ðiển còn lãi gần 70 triệu đồng; cộng với nguồn lợi nhuận từ việc canh tác hai vụ lúa hơn 23 triệu đồng.

Như vậy, mô hình canh tác hai vụ lúa - một vụ nuôi tôm trên ruộng, anh Hứa Văn Ðiển đã có tổng nguồn lợi nhuận gần 100 triệu đồng, cao gấp bốn lần so với lúc chưa thực hiện mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi này. Phấn khởi hiệu quả đã đạt được, anh Ðiển cho biết: "Nuôi tôm càng xanh giống nhân tạo trong mùa nước nổi tuy chi phí đầu tư rất cao nhưng bù lại rất dễ tìm nguồn thức ăn cho tôm, giá thức ăn rẻ, nguồn nước tốt, có thể nuôi số lượng lớn, con tôm tăng trưởng nhanh và khá đồng đều và cho lợi nhuận rất hấp dẫn...".

Năm 2004, ngành nông nghiệp huyện Tam Nông còn hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ vốn, con giống cá rô đồng nhân tạo cho ba hộ xã viên hợp tác xã nông nghiệp Tân Cường, xã Phú Cường áp dụng mô hình nuôi cá trên ruộng mùa nước nổi. Anh Nguyễn Văn Trãi, chủ nhiệm hợp tác xã Tân Cường, người trực tiếp áp dụng mô hình này cho biết: "Tận dụng mùa nước lên cao, tôi đầu tư hơn 100 triệu đồng thuê xáng múc lên bờ bao quanh 2 ha ruộng nhà mình sau khi thu hoạch lúa hè thu xong và cho nước vào, rồi thả nuôi 250 kg cá rô đồng giống. Thức ăn cho cá rô nuôi chủ yếu là: cua, ốc bươu vàng, cá tạp, các loại phế phẩm của nông - thủy sản... do tôi tự chế biến, để hạ giá thành trong chăn nuôi thì nguồn lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều. Tôi thấy: Cá rô đồng nhân tạo rất dễ nuôi, ít đòi hỏi kỹ thuật vì cá rất thích nghi với môi trường khắc nghiệt của thiên nhiên và ít bị bệnh... Trong quá trình nuôi chỉ cần cho cá ăn đủ mồi theo chu kỳ phát triển của cá, thức ăn đủ chất đạm cần thiết và quản lý chất lượng nước, rào chắn cẩn thận để tránh thất thoát trong mùa mưa dông, định kỳ xổ sán lãi cho cá là đạt hiệu quả khả quan...". Nhờ thường xuyên theo dõi diễn biến tình trạng tăng trưởng cũng như dịch bệnh của cá để có cách phòng trị kịp thời nên đàn cá rô nuôi của anh Trãi phát triển nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp... Sau hơn sáu tháng chăm sóc, anh Trãi đã thu hoạch được hơn 8 tấn cá rô đồng thương phẩm bán giá bình quân 22.000 đồng/kg, thu nhập hơn 176 triệu đồng; trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc, anh Trãi còn lãi hơn 37 triệu đồng. Riêng hai vụ lúa, sau khi thu hoạch và trừ tất cả chi phí, anh Trãi còn lãi hơn 32 triệu đồng. Tính chung, mô hình canh tác hai vụ lúa và một vụ nuôi cá trên ruộng, gia đình anh Trãi đã đạt tổng lợi nhuận gần 70 triệu đồng.

Ðánh giá hiệu quả mô hình canh tác hai vụ lúa - một vụ nuôi thủy sản trên ruộng, anh Nguyễn Văn Thông, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tam Nông cho biết: "Ðối với mô hình này cho thấy những kết quả bước đầu rất khả quan. Nó sẽ mở ra triển vọng khai thác tiềm năng của huyện. Thứ nhất là khai thác tiềm năng về mặt nước trong mùa lũ; thứ hai là có ý nghĩa về mặt dân sinh của huyện, thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển và khai thác được lợi thế trong mùa nước nổi. Một là tác động quá trình khai thác tiềm năng đối với nông dân nói chung có điều kiện phát triển kinh tế trong mùa lũ, giải quyết được lao động nhàn rỗi cho địa phương. Thứ hai là mở ra được triển vọng xóa đói giảm nghèo cho người dân, có thể tận dụng mùa nước nổi nuôi tôm, cá... Thứ ba là tạo được môi trường sản xuất bền vững đối với thủy sản mùa lũ. Ðây cũng là một trong những chủ trương lớn để khôi phục ngành nghề thủy sản trong một thời gian khá dài mà chúng ta đã không khai thác tiềm năng... Ngành nông nghiệp huyện sẽ nhân rộng mô hình này trong những năm tiếp sau trên những cánh đồng thích hợp của huyện vùng sâu Ðồng Tháp Mười này...".
Các tin khác
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
CHỨNG NHẬN
 
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Statement failed 1366: (HY000) Incorrect integer value: '' for column 'id' at row 1
số người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cập
số người truy cậphôm nay0
số người truy cậphôm qua0
số người truy cậptuần này0
số người truy cậptháng này0
số người truy cậptất cả240962